Có một mùa "chua chua ngọt ngọt" ở Sài Gòn: Mùa lá me bay gợi đầy ký ức
Năm 1952, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã từng viết về những hàng me ở Sài Gòn như sau: "Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt. Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết, không đẹp bằng những chị Mén, chị Vẩu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng, không đẹp bằng me, bằng me Sài Sòn.
Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!".
Những hàng me thơ mộng ở Sài Gòn.
Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì viết: "Có tự bao giờ hàng me xanh ngắt, mà nay đứng đó cho em làm thơ...". Cũng chẳng biết me có mặt ở Sài Gòn tự bao giờ, thế nhưng loài cây xinh xắn này đã bao mùa bay lá đem đến cho thành phố những phút giây lãng mạn đi vào thơ ca.
Mùa lá me bay - những ngày Sài Gòn đẹp như thơ
Vào những năm 1863 -1865, khi người Pháp chiếm Sài Gòn, họ đã cho trồng nhiều loại cây ăn quả trên vỉa hè để tạo bóng mát trong khí trời oi bức thành phố miền nhiệt đới. Về sau vì ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị nên các loại cây ăn quả đã được thay thế chỉ giữ lại những hàng me xanh rì.
Hàng me trên đường Huỳnh Thúc Kháng.
Me là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 20m. Lá me là dạng lá kép lông chim, gồm từ 10 - 40 lá nhỏ, Hoa mọc thành dạng cành màu trắng hoặc vàng rất đẹp.
Không phải vô cớ mà người ta giữ lại những hàng me thẳng tắp ở lại với Sài Gòn. Bởi không chỉ cho bóng mát, me còn đem đến những quang cảnh vô cùng lãng mạn cho thành phố mỗi khi trời trở gió, lá me vàng bay là đà trong không trung tựa như tuyết rơi miền nhiệt đới. Cũng chính điều này đã biến me trở thành nàng thơ của Sài Gòn.
Tháng 11 năm 1990, một bút nhóm của báo Mực Tím ra đời với cái tên cũng lãng mạn như những người yêu văn chương, là Bút nhóm Vòm Me Xanh. Hàng trăm cây bút kỳ cựu năm ấy giờ đã là những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, người làm báo, người kinh doanh... Và họ nói về lý do cho cái tên này đó là: Mỗi khi đi dưới những vòm me xanh ở Sài Gòn, họ có cảm hứng sáng tác hơn!
Có không ít bài thơ, bài hát được lấy cảm hừng từ những hàng me xanh ngắt.
Vòng mè xanh trên đường Lý Tự Trọng.
"Nhìn lá me bay, nhớ kỷ niệm hai chúng mình
Ngày đó bên nhau vươn chút tình trên tóc mây
Ðôi mắt thơ ngây, hoa nắng ươm đầy
Ðẹp tựa như lá me bay, nên tình anh trót vay"
(Anh Việt Thanh)
Những quả me trĩu cành.
Những chùm me gắn liền với ký ức người Sài Gòn
Người ta yêu me không chỉ vì những buổi chiều có lá me bay mà còn yêu cả những chùm me trĩu cành mỗi khi hè đến. Trái me vốn được ưa chuộng trong ẩm thực của người Việt. Quả me, đôi khi cả lá me non được dùng nấu canh chua. Nước mắm me được người dân miền Nam sử dụng để chấm với các loại khô nướng nhất là khô cá khoai rất độc đáo. Mứt me cũng được nhiều người yêu chuộng trong ngày Tết.
Mùa me cùng thời điểm với mùa chò nâu ở Sài Gòn.
Nói đến me Sài Gòn thì thân thuộc nhất phải kể đến ông lão 70 tuổi Nguyễn Văn Thới. Ông được mệnh danh là "vua hái me" bởi đã có thâm niên trong việc hái me hơn 50 năm qua ở thành phố này.
Ông Thới - "Vua hái me" ở Sài Gòn.
Cứ mỗi độ me chín, ông Thới cùng vợ là bà Ánh lại tất bật từ sáng sớm, ông leo lên cây hái, bà đứng dưới gốc nhặt me rồi chia nhau ra đi bán, ông bán ở đường Lý Tự Trọng, bà bán ở đường Tôn Đức Thắng. Gắn bó với những hàng me hơn nửa đời người thế nên tình cảm của ông bà đối với hàng me càng thêm đặc biệt. "Mai mốt lỡ mà không còn những hàng me chắc tui buồn chết luôn" - ông Thới nói.
Ở Sài Gòn, me được trồng nhiều ở trung tâm thành phố, đặc biệt là các tuyến đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng hay Võ Văn Tần... Những tuyến đường này càng chạy về cuối, mật độ me lại càng dày khiến cả con đường như được ôm trọn một màu xanh tươi mát.
Me Sài Gòn còn giúp người ta nhớ về những kỷ niệm thời niên thiếu. Nhớ về những buổi tan học cùng lũ bạn chạy ra cổng trường mua bịch me ngâm muối ớt, cắn một miếng chua lè cay xè mà đã ơi là đã. Hay buổi trưa nắng chang chang trốn học trèo cây hái me, bị bà cô khó tính mắng té tát. Cái thứ quả nhỏ nhỏ, chua lè ấy chứa cả một thời thơ ấu dữ dội.
Những quả me chứa cả bầu trời tuổi thơ.